TPG 21 Tháng Chín 2018
“ Tôi là một giáo viên nhà trẻ, blogger, diễn giả, nghệ sỹ và là tác giả của quyển sách Quyển sách đầu tiên của Thầy Tom (teachertomfirstbook.com). Trong vòng 15 năm, tôi đã dạy học tại trường Woodland Park (Woodland Park Cooperative School). Những đứa trẻ đến với chúng tôi khi chúng mới 2 tuổi cùng với bỉm sữa và trở thành những nhà thông thái 5 tuổi sẵn sàng đi học mầm non* . Mô hình trường học hợp tác (Cooperative School) cho phép tôi làm việc rất gần với cha mẹ học sinh với phương thức cộng đồng thực chất. Tôi có ý định sẽ dạy học tại Woodland Park suốt phần đời còn lại của mình. Tôi yêu trẻ con và yêu cả gia đình của chúng nữa. Đây thật là một công việc đáng mơ ước.”

*Trường mầm non ở Mỹ bắt đầu từ khi trẻ 5 tuổi

Cậu bé tìm được chiếc xe đẩy hàng ở phía dưới chân dốc, cậu ngồi xổm xuống để nhìn rõ hơn những chiếc bánh xe như một cách để kiểm tra và xác nhận “Đúng rồi, nó là những chiếc bánh xe”


Do tay cầm xe đẩy đã bị bung ra từ trước, cậu bé luồn ngón tay bé xíu của mình nắm chặt lấy chiếc xe đẩy rồi kéo đi bằng một tay. Cứ một chốc cậu quay lai nhìn để đảm bảo chiếc xe đẩy vẫn còn ở bên cậu và tiếp tục leo lên đỉnh dốc. Cậu cứ kéo rồi dừng lại, kéo rồi dừng lại cho đến khi cậu lên đến đỉnh của con dốc. Cậu bé quay đầu lại và bắt đầu hành trình đẩy xe xuống con dốc. Khi di chuyển xuống, cậu bé cố gắng quay sang nhìn chiếc xe đẩy mà không cần dừng lại. Đó đúng là một thử thách đối với cậu. Với con dốc không bằng phẳng, cậu đã bị vấp vài lần nhưng không hề bị ngã, cậu bé tập trung cao độ vào việc quan sát phía trước cũng như sau trong khi vẫn tiếp tục đẩy chiếc xe xuống dốc.


Vừa xuống đến chân dốc, cậu bé lại tiếp tục quay lại và lại đi lên đỉnh dốc. Lần này cậu bé có vẻ thành thạo hơn, chỉ vấp vài bước khi quay ra đằng sau quan sát khi vẫn bước đi lên. Đến bây giờ thì cậu bé đã tin rằng chiếc xe đẩy luôn ở bên cạnh cậu; những chiếc bánh xe khiến cậu mê tít và chúng cũng chính là khởi nguồn của ý tưởng trò chơi này của cậu. Tôi tưởng tượng rằng cậu bé đã suy nghĩ về việc chúng sẽ quay như thế nào, cũng có thể so sánh về bốn bánh xe, tìm điểm giống và khác nhau của chúng. Chiếc xe đẩy không quá nặng để có những lúc cậu bé đã nâng cả chiếc xe lên khỏi mặt đất. Cậu bé nhìn vào những chiếc bánh xe và chúng không hề quay. Có thể cậu bé đã từng làm việc này, nhưng tôi không thể biết được trẻ con suy nghĩ gì, học hỏi được gì và cảm nhận như thế nào đến khi chúng nói điều đó với tôi, và thậm chí sau đó tôi cũng không thể hiểu hết được.



Công việc của tôi không phải là để hiểu. Công việc của tôi là ở đây, quan sát và suy ngẫm. Trước đây công việc của tôi đã từng là tạo ra cho trẻ không gian chơi gồm sườn dốc, xe đẩy và cả một con đường bằng phẳng để có thể đẩy xe lên và xuống đồi. Hôm qua, một cụ bà người đã từng tham gia nhóm phụ huynh tại trường (nhóm hỗ trợ giáo viên tại trường học nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa gia đình và nhà trường) vài tuần trước nói chuyện với tôi: “Tôi đã hiểu ra được vấn đề. Nó giống như một quá trình trị liệu. Việc của chúng ta là chỉ lắng nghe tụi trẻ và nhắc lại điều đó với chúng.” Tôi tự hào rằng trường học của chúng tôi là nơi mà người lớn coi điều đó là hiển nhiên.



Và khi mà tụi trẻ con không nói điều gì, khi chúng đẩy chiếc xe lên rồi xuống sườn dốc, chúng sẽ tự dạy chúng cần phải làm thế nào, tự hỏi và tự trả lời câu hỏi của chúng, để rồi công việc của chúng ta là suy ngẫm, không nói điều gì, không nói “Con làm tốt lắm” hay “Tuyệt vời” hay “Cẩn thận nhé”, chỉ cần quan sát, ngạc nhiên và hiểu được rằng chúng đã làm chính xác những điều mà chúng cần làm.



Nguồn https://teachertomsblog.blogspot.com/2018/07/doing-exactly-what-they-ought-to-be.html?m=1#.W1nDLZM2fD4.facebook
Người dịch: Huệ Phương 


tin tức gần đây

Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Messager